Hướng Dẫn Chăm Sóc F0

CÁC TRIỆU CHỨNG THƯỜNG GẶP KHI NHIỄM SARS-CoV-2 (bệnh COVID-19)
– Ho liên tục,
– Sốt (chỉ cần thân nhiệt đo nách trên 37.8 độ C).
– Mệt mỏi.
– Đau mỏi cơ toàn thân.
– Ngạt tắc mũi và chảy mũi.
– Đau họng.
– Khó thở ngay cả khi đi lại trong phòng.
– Khạc đờm.
– Mất vị giác, khứu giác.
– ỉa chảy
Theo thống kê tại UK, 80% người nhiễm SARS-CoV-2 không có triệu chứng, hoặc triệu chứng mức độ nhẹ.
NHỮNG NHÓM CÓ NGUY CƠ CAO MẮC CHUYỂN THỂ BỆNH NẶNG CẦN CAN THIỆP Y KHOA
– Người trên 60 tuổi.
– Những người thừa cân, béo phì.
– Những người có một hoặc nhiều bệnh nền.
– Các bệnh nền mạn tính kiểm soát kém như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh phổi mạn, ung thư đang tiến triển, nhiễm lao, bệnh nhân HIV.
QUẢN LÝ COVID-19 TẠI NHÀ VỚI NHỮNG NGƯỜI NHIỄM SARS-CoV-2 KHÔNG TRIỆU CHỨNG, TRIỆU CHỨNG NHẸ.
03 điều kiện cần và đủ để có thể quản lý tại nhà theo khuyến cáo WHO
1- Đánh giá lâm sàng: các biểu hiện lâm sàng là không có triệu chứng, có triệu chứng mức độ nhẹ (chưa gây ảnh hưởng các chức năng sống, NB sinh hoạt bình thường, vẫn làm việc nhẹ và tự chăm sóc tốt), người bệnh có thuộc nhóm dễ chuyển thể nặng như trên hay không?
2- Điều kiện tại nhà đủ để chăm sóc không?: NB sống độc thân hay sống cùng những thành viên khác, người bệnh có đủ khả năng thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn hay không? Các thành viên trong gia đình, bản thân NB có hiểu và thực hành được các biện pháp tự chăm sóc, tự cách ly, tự theo dõi lâm sàng tại nhà không? NB có biết và có đủ phương tiện liên lạc với các thành viên khác sống cùng nhà, liên lạc với y tế cơ sở? Việc quản lý tại nhà ảnh hưởng thế nào đến tài chính, tâm lý và hoạt động thường ngày của các thành viên trong gia đình không? Các điều kiện về phương tiện phòng hộ, buồng ngủ, phòng tắm, phòng vệ sinh, các dung dịch sát khuẩn, khử khuẩn, làm sạch, … có đảm bảo giảm/tránh lây chéo?
3- NB đủ khả năng tự đánh giá, tự theo dõi và biết cách nhận biết dấu hiệu nguy hiểm/đe dọa cần báo cáo y tế cơ sở gấp để nhận hỗ trợ.
CÁC BIỆN PHÁP KIỂM SOÁT LÂY NHIỄM
– Tự cách li khỏi các thành viên khác trong gia đình: phòng cách li thông khí trời tốt, sử dụng phòng ngủ, phòng tắm riêng, nếu nhà chỉ có 1 phòng tắm thì cần khử trùng phòng tắm sau khi sử dụng.
– Tránh sử dụng chung không gian cùng các thành viên khác trong gia đình, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc thường xuyên như tay nắm cửa, mặt bàn, tay…
– Đeo khẩu trang liên tục, dùng khuỷu tay che miệng khi ho/hắt hơi hoặc dùng khăn giấy ăn che miệng khi ho/hắt hơi rồi bỏ thùng rác đậy kín.
– Sát khuẩn tay bằng cồn y tế có nồng độ tối thiểu 60%– tối đa 95%, không dùng cồn tuyệt đối. Hoặc rửa tay với dung dịch xà phòng sát khuẩn hay dùng, thời gian cho sát khuẩn bằng cồn cũng như rửa tay với xà phòng sát khuẩn đủ ít nhất 20 giây.
– Súc họng miệng thường xuyên bằng dung dịch muối sinh lí và/hoặc betadine mouthwash 1%. Chải răng, cạo sạch rêu lưỡi giữ vệ sinh miệng họng tránh bội nhiễm.
– Toàn bộ rác thải từ bệnh nhân cần được bọc kín trong túi rác chắc chắn tránh rơi, rò rỉ ra môi trường tại nhà khi bỏ rác.
CÁC BIỆN PHÁP TĂNG CƯỜNG HỆ MIỄN DỊCH
– Chế độ ăn cân đối: những loại thức ăn sau có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch của bạn gồm cam, chanh, khoai tây, đậu hà lan, lạc, thịt bò, gan bò, khoai lang, rau xanh các loại…
– Uống đủ nước: khi nước tiểu đi đều và trong là đủ nước.
– Ngủ tốt, ngủ đủ, thể dục tại phòng.
– Tranh thủ phơi nắng qua cửa sổ nếu có thể để giảm stress, đủ vitamin D.
– Tuyệt đối không uống đồ uống có cồn, dừng hoàn toàn hút thuốc lá.
– Đối với những người có bệnh nền: dùng thuốc đầy đủ, đúng giờ, theo dõi các chỉ số theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa (ví dụ đường máu mao mạch, huyết áp…)
– Tuyệt đối không tùy tiện tự dùng các thuốc như steroid, hydroxychloroquine theo các tin đồn không chính thống.
SỬ DỤNG CÁC THUỐC, BIỆN PHÁP GIÚP GIẢM TRIỆU CHỨNG
– Thuốc hạ sốt: chủ đạo là dùng paracetamol có tác dụng hạ sốt, giảm đau, liều uống theo thông tin kê toa trong hộp thuốc. Liều thông thường 10-15mg/kg cân nặng khi sốt từ 38.3 độ C trở lên, khoảng cách hai lần liên tiếp tối thiểu 4h, ngày không quá 04 gram. Nếu sốt liên tục và không giảm sau dùng paracetamol 30-60 phút thì có thể bạn đang mất nước, hoặc có thể cần bổ xung thêm thuốc hạ sốt loại khác như ibuprofen…
– Sử dụng thuốc giảm ho thông thường bán không cần kê đơn, thuốc giảm ho đông y.
– Ngâm chanh đào + mật ong ngậm giúp giảm đau họng, khô miệng.
– KHÔNG tùy tiện dùng steroid, kháng sinh dự phòng bội nhiễm, vì virus sẽ không bị tiêu diệt bởi thuốc kháng sinh, ngược lại kháng sinh không đúng chỉ định có thể tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong đường hô hấp, tiêu hóa.
– Giữ không khí trong phòng không quá ẩm, không quá khô. Độ ẩm lý tưởng cho hô hấp thoải mái, cũng như giảm mức độ lan rộng của SARS-CoV-2 là 40%-60%.
– Sử dụng thông khí trời tối đa, nếu cần dùng quạt thổi theo hướng đẩy không khí ra ngoài trời, nếu trời quá nóng thì nên dùng điều hòa không khí với hệ thống lọc gió được vệ sinh và bảo dưỡng đầy đủ.
– Một số thảo dược như gừng, xả có thể giúp kháng viêm mũi họng qua đường xông nhẹ…
– Tập thở sâu, đều, chậm để làm sạch đường hô hấp, giảm thể tích cặn trong phổi để tăng hiệu quả hô hấp (lấy đủ oxy, thải hiệu quả carbonic).
– Nếu bạn thấy khó thở nhẹ: bạn có thể nằm sấp nghiêng đầu về một bên, kê gối mềm ở đầu và ngực tạo cảm giác dễ chịu.
– Bạn cũng có thể luân chuyển các tư thế sau theo chu kì lần lượt: nằm sấp 30 phút-2 giờ -> nằm nghiêng phải 30 phút-2 giờ -> nằm nửa ngồi 30 phút-2 giờ -> nằm nghiêng trái 30 phút-2 giờ.
KHI NÀO BẠN CẦN GỌI HỖ TRỢ Y TẾ?
– Nếu các triệu chứng nặng lên mặc dù bạn tự làm các việc như hướng dẫn bên trên.
– Nếu các triệu chứng không cải thiện sau 7 ngày.
– Nếu bạn thấy thần kinh căng cứng, hay nhầm lẫn, thiếu/mất khả năng tập trung.
– Nếu thấy đau ngực.
– Nếu khó thở và bạn đếm nhịp thở thấy nhanh hơn 25 chu kì hít vào-thở ra/phút.
– Nếu bạn thấy đo độ bão hòa oxy máu qua thiết bị kẹp đầu ngón tay <92%.
CÁC THÀNH VIÊN KHÁC TRONG GIA ĐÌNH BẠN CẦN LÀM GÌ?
– Tất cả ai tiếp xúc gần với bạn cần tự cách li tại nhà theo hướng dẫn của y tế.
– Nếu bất cứ thành viên nào trong gia đình xuất hiện triệu chứng như trên cần phải được xét nghiệm covid-19 ngay và tuân theo các hướng dẫn như trên.
– Luôn tuân theo những hướng dẫn chuẩn, chính thống từ cơ quan y tế, tránh nghe những thông tin ngoài lề.
Tham khảo:
Home care for Patients with COVID-19 presenting with Mild symptoms and management of their contacts, WHO, Interim guidance, 17 March, 2020.
10 things you can do to manage your COVID-19 symptoms at home, CDC, May, 2020.

Trả lời